Dù Trong Dù Đục – Tác phẩm của Quân Phạm

– Nay có nhiều ghẹ mắc lưới nè má, lát cầm qua cô Tư bán mua tương hột, ngoại bả kêu thèm.

Cái giọng lanh lảnh ngoài bến là của con Lam, sáng nào đi dọc bờ biển cũng có thể nghe thấy tiếng nó từ xa. Gọi là bến cho sang chứ nơi đó thật ra chỉ là chỗ tập kết của chừng năm bảy cái thuyền thúng mà mỗi sáng dì Chín – má nó cùng nhiều cô chú thường đi quăng chài sớm rồi kéo về đây neo đậu.

Con Lam là bạn học chung lớp tám của tôi, tên nghe thì thơ nhưng người nó đen nhẻm, con gái mà tính tình cọc cằn y như con trai, tóc cháy nắng chẻ ngọn xơ xác, điểm nhấn duy nhất trên khuôn mặt nó là lún đồng tiền nằm bên má phải. Học vừa hết học kỳ nó đã nói với cô giáo khi bị bắt úp mặt cuối lớp vì không làm bài:

– Nay học rồi mai mốt con cũng phải đi theo má ra bến, học chi uổng.

Và hết cấp hai nó nghỉ học thiệt. Nhà tôi ở đầu xóm, nhà nó ở cuối xóm nên tôi với nó vẫn hay đi chơi chung nhiều năm sau đó. Cứ mỗi dịp hè là nó rủ tôi ra ao tiên – đìa nước đọng gần cửa biển rộng chừng nửa mẫu đất mọc đầy sen, bao quanh là đồi cát trắng. Bọn tôi cắm câu gần gốc phi lao rồi nằm lim dim nhìn trời qua tán lá. Tôi kể về trường lớp, về những người bạn học mà nó chỉ còn nhớ mang máng, nó kể cho tôi nghe chuyện “làm ăn” ngoài bến cá, cách nói ra vẻ như người lớn nói với con nít. Tôi nhiều khi cũng ức lắm, nhưng biết sao được, dù sao bạn mình nó cũng cực hơn mình.

Nhà tôi đã nghèo, mà nhà nó còn nghèo hơn. Căn nhà làm bằng gỗ đóng ghe còn dư mà dì Chín đi xin về, cặm liêu xiêu trên nền gạch thẻ. Nó ở đó với má nó cùng bà ngoại bị lẫn đã ngoài tám mươi, ba thế hệ nương tựa nhau mà sống, còn ba nó lang bạt đi làm công nhân hái tổ yến ở tận Phan Rang, một năm chỉ có ba tháng ở nhà, còn lại lâu lâu mới về một bữa. “Đàn ông rong ruổi đường xa, đàn bà vật vạ ngồi canh cửa, đời phân công vậy mà..”

Tôi thân với con Lam suốt thời niên thiếu, từng bao lần định kết nghĩa huynh – muội nhưng không thành (vì đời nào nó chịu làm em). Có lần tôi sốt xuất huyết nằm liệt giường, nó trộm ít yến vụn ba nó mót được, chưng với đường phèn lén đem qua cho tôi, cái chén nhỏ xíu ba phần yến bảy phần cặn, vừa húp vừa nhìn nhau cười. Nghe người ta nói công dụng bổ dưỡng này kia trên báo đài mà tôi còn quá nhỏ để tìm hiểu, nhưng cái tình bạn ấm nồng của một đứa vốn cọc cằn như nó làm tôi cảm động tới tận bây giờ.

Thời gian cứ thế qua mau, tôi học trường chữ, nó học trường đời. Con Lam tính nó bất cần, nhưng nó thương má nó hết biết, nó thuyết phục dì Chín cho nó nghỉ học để đỡ đần một bên vai, sáng trưa đều đặn nấu cơm bỏ vô cái cà mèn đem ra ngoài bến, bà con ai cũng khen cũng quý, đem so sánh với con nhà mình. Nhiều khi nhìn má con nó ăn cơm với con cá khô mà tươi cười rạng rỡ như ăn cao lương mỹ vị, thấy mà ham.

Miền Trung như một mảnh đất mà trời không thương, năm nào cũng oằn mình hứng trọn bao nhiêu thiên tai lũ lụt. Tháng bảy năm đó quê tôi bão rớt, mưa gió dầm dề, trời đất ảm đạm một màu u buồn, ghe thuyền xếp hàng im lìm ở bến. Ai ở vùng duyên hải mới hiểu, ngư dân gặp biển động cũng đói như nông dân mất mùa, nhất là với những gia đình chạy ăn từng bữa như nhà con Lam. Ngó trời vừa ngớt gió, dì Chín đội nón lá dặn nó ở nhà coi chừng bà ngoại, canh đổ bớt mấy cái thau nước dột đi, má chèo gần bờ kiếm ít cá rồi về liền. Vậy mà dì không về nữa, chiều đó nó tèm nhèm nước mắt chạy qua kiếm ba mẹ tôi, vừa nói vừa nức nở. Cả xóm túa ra đốt bó nhang đi dọc bờ biển kêu tên dì, nhưng dì đã bị nước cuốn trôi không tìm thấy xá.c, chỉ còn cái thúng úp ngược tấp vô bờ trông như một ngôi mộ lớn. Nó quỳ xuống ôm cái thúng mà khóc thê lương gọi má ơi má à. Ngoài biển đêm, sóng vẫn cứ thét gào…

Sau khi dì Chín qua đời, ba nó không đi trèo yến nữa, về xin việc ở xưởng mộc xóm bên, hôm tỉnh hôm say. Người ta nói khi uống rượu, uống ít thì còn, uống nhiều mất hết. Mỗi lần nhậu về là kiếm chuyện đánh chửi con Lam, trách nó không biết lo cho má. Có bữa mâm cơm hai bà cháu nó đang ăn, ông cũng hất văng xuống đất, chỉ vì ngoại nó lơ ngơ hỏi ủa con Chín đâu sao chưa về. Nó lầm lì dẫn ngoại ra sau bếp, quẹt nước mắt rồi cầm cái tô mẻ chạy sang nhà tôi xin cơm, mẹ tôi biết hoàn cảnh nhà nó nên lâu nay cũng thường qua lại giúp đỡ. Những lần như vậy mẹ thường bảo tôi lánh mặt đi vì sợ nó mặc cảm với tôi, dặn tôi của cho không bằng cách cho, rằng bạn bè chơi với nhau đừng để có cảm giác ban ơn huệ.

Nhiều hôm đi học về ngang bờ biển, tôi thấy nó nép vào cái thúng ngồi khóc, cây nhang cắm cạnh bên leo lét cháy. Gió biển thổi từng cơn cũng không làm sao hong khô được từng vũng buồn trong mắt. Những lúc như vậy tôi chẳng biết nói gì, lẳng lặng đến ngồi bên cạnh mà lòng thấy thương nó vô bờ. Trong mơ ước đầu tiên của cuộc đời, tôi chỉ mong sao nó thể thấy nó vui cười như những ngày xưa, dẫu biết rằng điều đó chẳng bao giờ thực hiện được.

Hai năm sau, tôi tạm biệt nó để vào Sài Gòn học. Ngày chia tay cũng chẳng nói gì nhiều, tôi rủ nó đi ăn chè chợ Chiều, dặn nó có gì cần thì qua kiếm má tao, bả cũng coi mày như con. Nó ờ ờ rồi nói mày đi gần xịt, bày đặt làm như xa lắm nói mấy câu nghe thấy ớn. Tôi cười trừ, chợt nhận ra nào giờ hai đứa đúng là chưa từng nói mấy câu sến rện với nhau, xưng tên còn ngại thấy mồ.

Sài Gòn đúng là không xa nhưng nó như một dòng sông chảy xiết, và những đứa con xa xứ như tôi cứ lặn ngụp mỏi mê, tìm cơ hội đổi đời trong cái vòng xoáy danh lợi đó. Tôi vừa học vừa làm thêm nên ít có dịp về thăm, mẹ tay xách nách mang, đem đồ ăn tiếp tế cho tôi, gói ghém cùng những câu chuyện quê nhà. Chuyện gia đình, chuyện vườn tược, chuyện láng giềng, rồi chuyện con Lam… mọi thứ sống động qua từng lời kể của mẹ, cứ như xóm chài nghèo với những người thân thuộc lần lần hiện ra trước mắt. Tôi có thể hình dung ra con đường cát lún vào xóm mà mỗi lần mẹ đi chợ phải xuống xe dắt bộ, hiên nhà đầy nắng ba hay cuốc đất để trồng bông giấy, hàng phi lao rì rào nơi tôi và con Lam hay bứt trái chọi nhau…

Mẹ kể ba con Lam uống rượu nhiều nên bị xơ gan càng ngày càng nặng, không có tiền chạy chữa nên nằm một chỗ hốt thuốc nam, cắm bảng bán nhà bên cạnh bàn thờ ông Thiên trước sân. Gánh nặng gia đình giờ đổ lên vai một mình nó, ngày đi gánh cá tối về cặm cụi đan lưới kiếm thêm. Tôi nghe sao mà đứt ruột, dúi mẹ ít tiền về đưa nó, mẹ lắc đầu bảo “Con nhỏ ít học nhưng biết tự trọng, ai cho tiền cũng không dám nhận vì sợ không đền đáp nổi…”

Ít lâu sau mẹ tôi gọi điện báo ba Lam qua đời, ngay kỳ thi cử nên tôi không về được. Sau khi lo hậu sự cho ba xong, nó cùng bà ngoại dắt díu nhau ra tận Bình Định sống nhờ nhà cậu mợ. Ngày đi nó có đến từ biệt và cảm ơn gia đình tôi, mẹ tôi đưa số điện thoại nhưng chưa một lần thấy nó liên lạc, kể từ sau đó không còn ai trong xóm chài nghe đến bà cháu nó nữa.

Nhiều năm trôi qua, tôi ra trường đi làm, gia đình tôi dọn vào thị xã sống sau một mùa mưa lũ dâng lên tận mái nhà. Xóm chài cũng phân ly tứ tán. Ký ức về con Lam cùng những kỷ niệm thời niên thiếu được cất vào một ngăn nào đó trong đầu. Chỉ có mẹ tôi là lâu lâu vẫn nhắc về nó, với những câu hỏi đau đáu: “Hổng biết con nhỏ giờ sống sao..”

Tết năm ngoái tôi về, tình cờ gặp con Lam ngồi bán bông vạn thọ bên hông chợ Chiều. Cái chợ chồm hổm liêu xiêu nắng, người qua kẻ lại nháo nhác. Nó giờ có da có thịt hơn trước, tóc dài chấm lưng, tôi nhận ra nó vì nó giống dì Chín quá, nhất là cái dáng ngồi chân duỗi chân xếp bằng, tóc xõa qua một bên vai. Tôi nửa lạ nửa quen, gọi “Lam phải hông?” ,nó ngó lên dòm tôi rồi rưng rưng: “Chớ ai!”. Cuối buổi chợ, nó dẫn thêm thằng nhỏ lại biểu chào chú. Tôi ngờ ngợ hỏi rồi ba nó đâu, nó cúi mặt trả lời ba nó bên bển, nghẹn giọng kể chuyện năm xưa.

Sau khi về Bình Định thì vài tháng sau ngoại nó mất, mợ không thương nên con Lam lấy tiền bán nhà còn dư tìm đường xuất khẩu lao động sang Đài Loan mong đổi đời. Qua đến nơi mới té ngửa là bị môi giới lừa, không chỗ làm, không chỗ ở, cũng không hiểu ai nói gì, cù bơ cù bấc trên đất khách quê người. Lang thang hết chợ này tới chợ kia ai kêu gì làm nấy, muốn xin gì thì dùng tay thay miệng. Nhiều đêm nhớ quê, nhớ má, nó ngồi mé hiên nhà người ta mà khóc. Rồi may sao nó cũng gặp được đồng hương giúp đỡ, dạy cho vài câu đủ xài, chỉ vô ở đợ cho gia đình giàu có.

“- Rồi vậy là tao lòi ra cục nợ này nè” – nó hất mặt về phía thằng nhỏ mắt xếch đang ngồi gặm trái cà chua.

Chỉ một cái ngắt hơi nhẹ bâng vậy thôi, để kể về hồi kết câu chuyện bị chủ gõ cửa phòng lúc nửa đêm, về nỗi đấu tranh muốn giữ lại đứa nhỏ cho đời bớt cô độc. Dường như đối với nó chẳng còn khổ ải nào là chưa từng trải qua, có thêm chút nữa cũng chỉ như thả một hột muối mặn xuống biển.

Chấp nhận sống không danh phận trong gia đình đó một thời gian, dành dụm được ít tiền rồi bỏ trốn về Việt Nam. Nó có tìm qua nhà tôi nhưng gia đình tôi lẫn xóm chài đã không còn ở đó sau đợt lũ quét. Thuê cái nhà nhỏ có cái vườn cũng nhỏ bên hông Tịnh Xá, đủ chỗ cho hai má con chui ra chui vô, khi trồng rau khi trồng bông đem ra chợ bán qua ngày.

Tôi hỏi nó sao về đây mà không phải quê ngoại, ngoài đó chắc còn bà con, nó trả lời tại ở đây có má tao nằm, không về đây thì về đâu, với sau này còn dạy cho thằng nhỏ này gọi má ơi nữa, thèm gọi mắc chết nghe nó kêu mình cũng đỡ. Tôi nhẹ cười, đường đời nó đi xa hơn tôi, dài hơn tôi, khổ ải hơn tôi, nhưng nó giữ trong lòng không phải là gai góc, mà chỉ là những gì chân phương nhất về người má nghèo, về quê hương xứ sở, và cả bản năng làm mẹ đang chập chững từng bước theo đứa con…

Dân xóm chài gặp nhau vẫn nhắc nhớ về một mái nhà cuối xóm, vách ván lợp tôn, nơi có một bà già ngồi nhai trầu, một người mẹ đang vá lưới và đứa con gái đang chụm củi nấu cơm, khói bếp len qua vách tỏa ra, ấm áp.

Quân Phạm

Viết một bình luận